Nguồn Phantom cho micro condenser

Nguồn Phantom của mixer là một khái niệm tương đối xa lạ với những ai mới bắt đầu tìm hiểu về âm thanh, tuy nhiên nó lại đóng vai trò rất quan trọng để giúp cho các loại micro condenser vận hành một cách trơn tru và hiệu quả nhất. Bài viết này sẽ đề cập đến nguồn Phantom cho micro condenser.

Mình đã từng chia sẻ với các bạn về 2 loại micro được sử dụng hiện nay đó là micro loại điện động (dynamic)micro loại điện dung (condenser). Với tính chất khác biệt về cấu tạo cũng như chức năng của 2 loại micro này mà cần phải có những bộ nguồn cấp điện riêng biệt cho từng loại micro. Và nguồn Phantom ra đời với chức năng sử dụng riêng cho micro condenser.
Ở những loại mixer thông dụng hiện nay, trong mỗi đường line input (ngõ vào) khi kết nối các thiết bị âm thanh thì sẽ được tích hợp thêm 1 nguồn cung cấp điện 48V để sử dụng khi kết nối micro condenser, mà trong những bản thông số kỹ thuật của mixer thường ghi là nguồn Phantom. Tuy nhiên không phải mixer nào cũng như nhau, vì giá cả của mỗi loại không giống nhau, vì thế nên có những loại mixer cao cấp mỗi đường input sẽ có riêng một công tắc bật/tắt nguồn Phantom, còn có những loại thấp tiền hơn sẽ sử dụng một công tắc cho 2-3 đường input, hoặc thậm chí là một công tắc cho tất cả các ngõ vào trên mixer. Và cũng chính vì sự khác nhau đó dẫn đến có nhiều câu hỏi được đặt ra: khi sử dụng micro dynamic, nếu quên tắt nguồn phantom, hay dùng chung micro condenser với micro dynamic mà mixer chỉ có 1 switch thỉ có ảnh hưởng gì tới micro dynamic không? Cuộn dây trong micro rất mảnh, nguồn 48V có thể làm hư nó không? Sau đây sẽ là lời giải đáp:
nguon phantom micro condenser
Micro Soundking EH202 là loại micro Condenser

Trước khi trả lời những câu hỏi này thì chúng ta cần phải hiểu về cấu tạo của micro condenser. Loại micro điện dung này cấu tạo gồm 2 màng kim loại mỏng ghép chặt vào nhau, ở giữa có một lớp cách điện. Lúc này đó chỉ đơn giản là cấu tạo của một tụ điện thông thường. Khi chúng ta cung cấp âm thanh bên ngoài tác động vào màng thì điện dung của tụ điện sẽ thay đổi. Sự biến thiên điện dung này gây được gây ra bởi cường độ âm thanh bên ngoài sẽ được kỹ thuật điện tử tách ra, khuếch đại âm thanh như các loại micro dynamic thông thường. Lúc trước khi công nghệ chưa phát triển thì bộ khuếch đại này phải làm bằng bóng đèn điện tử loại nhỏ (miniature) vì tổng trở của của bộ màng thu âm rất cao. Chính vì lý do này mà lúc trước khi sản xuất những loại micro condenser, nhà sản xuất sẽ phải chế tạo thêm các bộ nguồn đi kèm (power, supply, adapter) khiến cho những ai khi sử dụng đều phải e ngại vì nó quá rườm rà, phức tạp. Nhưng những bất tiện đó hiện nay đã được khắc phục nhờ sự ra đời của công nghệ bán dẫn FET, được tích hợp vào cán micro 1 con FET là đã có thể thay thế cho một bộ nguồn rườm rà. Chỉ cần cung cấp thêm một nguồn điện 1,5V như các loại pin AAA là đã có thể sử dụng được (micro cài áo).
Nhưng đó là chỉ ở trường hợp ít sử dụng hoặc trong những nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn, vì các loại pin AAA sẽ rất mau hết, khiến chúng ta rất bất tiện khi đang sử dụng lại phải thay pin, hoặc là sẽ không thể đủ năng lượng đảm bảo bắt sóng tốt cho các thiết bị này. Nhưng nếu không dùng pin mà sử dụng mỗi adaptor cho 1 micro riêng biệt thì trong một hệ thống nhiều micro sẽ ra sao? Có lẽ sẽ phải sử dụng rất nhiểu ổ cắm cho những adaptor này và hệ thống dây sẽ trở nên rườm rà hơn rất nhiều. Và cũng từ đó, để giải quyết vấn đề này thì nguồn Phantom tích hợp trong mixer ra đời. Các loại mixer được tích hợp nguồn Phantom, ngã input bằng jack XLR được tích hợp thêm bộ cung cấp nguồn DC ở 2 pin 2 và 3. Hiệu điện thế là từ 12 => 48VDC. Thông dụng nhất là 48V vì dòng tiêu thụ sẽ nhỏ hơn 4 lần và bộ ổn áp cấp cho bộ khuếch đại micro sẽ làm việc tốt hơn, ít nhiễu hơn. Điện áp 48V được phân bố chính xác trên pin 2 và 3 của micro và lấy pin 1 làm mass (shield). Bởi thế, không có 1 hiệu điện thế nào giữa pin 2 và 3 cả nên khi ta cắm micro dynamic balance thông thường vào, hoàn toàn không có tác động nào vào tín hiệu AT, và màng micro (diaphragm) nối giữa pin 2 và 3 trước khi vào transfomer hay op-amp của mixer.
nguon phantom cho micro condenser
Cấu tạo của nguồn Phantom mixer

Với những kết cấu và quy luật hoạt động như thế, thì sẽ hoàn toàn bình thường, an toàn khi cắm micro dynamic balance vào mixer đang có nguồn Phantom hoạt động. Nhưng một điều chú ý tối kỵ cần tránh đó là: không được sử dụng micro dynamic unbalance trong trường hợp này, pin 3 của loại micro này được nối với mass (pin 1) và micro sẽ chịu điện áp 48V trực tiếp, lúc này thì hậu quả ra sao chắc các bạn cũng tưởng tượng được. Vì vậy để đảm bảo tuyệt đối cũng như cách sử dụng của đại đa số những người làm âm thanh đó là chỉ bật nguồn phantom khi sử dụng micro condenser và hãy tắt đi khi không sử dụng nữa. 
Nhân tiện mình cũng chia sẻ với các bạn một chút về loại micro electret (một thuật ngữ riêng trong ngành, không có nghĩa khi dịch). Micro electret là loại micro condenser được tích hợp thêm một bộ phân cực bán dẫn ngay trong micro, cũng sử dụng nguồn Phantom và 1 loại nữa được phân cực bên ngoài micro, sử dụng thêm bộ nguồn rời, gọi là true condenser. Cũng có loại micro tích hợp cả 2 dạng này. Nhưng một khi đã gọi là "micro condenser" thì có nghĩa là "microphone condenser electret". Một nghiên cứu của Shure cho thấy 95% các loại micro condenser trên thị trường là loại electret.
Đó là đôi nét về nguồn Phantom cho micro condenser mà rất nhiều người mới bắt đầu không biết và hiểu về nó, nếu có cơ hội hãy thử kết nối micro condenser vào mixer và sử dụng công tắc nguồn Phantom để các bạn có thể có kinh nghiệm thực tế hơn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét