Trong mỗi hệ thống âm thanh, dây dẫn (bao gồm dây tín hiệu và dây loa) luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất, tạo nên khả năng trình diễn tối ưu cho các thiết bị trong hệ thống. Chọn mua được những loại dây dẫn tốt, phù hợp sẽ giúp bạn phát huy hết khả năng dàn âm thanh của mình. Bài viết này sẽ chia sẻ về các loại dây dẫn và kinh nghiệm chọn mua.
Dây dẫn là một khái niệm tương đối rộng, chứ không chỉ bao gồm dây tín hiệu và dây loa trong các hệ thống âm thanh, mà còn có các loại dây truyền tín hiệu hình ảnh (HDMI). Tuy nhiên thì trong khuôn khổ một Blog về âm thanh nên mình sẽ tập trung giới thiệu đến các loại dây dẫn sử dụng trong các hệ thống âm thanh, đó là dây tín hiệu và dây loa.
Dây tín hiệu (Interconnect)
Tên gọi của loại dây này cũng đã giúp người dùng hình dung được chức năng, nhiệm vụ chính của nó trong dàn âm thanh. Dây tín hiệu đảm nhận nhiệm vụ truyền các tín hiệu âm thanh có độ lớn từ vài milivolt đến vài volt, giữa các thiết bị đóng vai trò nguồn phát âm thanh (đầu CD, micro, nhạc cụ...) với mixer, cũng như giữa mixer với ampli... nghĩa là truyền tín hiệu giữa các thiết bị âm thanh trong dàn (trừ loa). Tuy nhiên thì do đặc điểm riêng biệt của từng thiết bị, yêu cầu từng loại dây tín hiệu tương ứng, vì thế người ta chia thành các loại dây tín hiệu sau (dựa theo cấu tạo lõi dây):- Dây tín hiệu không cân bằng (Unbalanced Interconnect): loại dây này còn có tên gọi khác là single-end. Chúng ta thường gặp loại dây này phổ biến nhất là khi sử dụng các loại đầu đĩa, thường có 2-3 dây màu đỏ, vàng, trắng, cắm kết nối với ti vi. Đầu kết nó nó gọi là đầu cắm kiểu RCA (bông sen). Dây tín hiệu không cân bằng có cấu tạo với 2 lõi dây bên trong.
- Dây tín hiệu cân bằng (Balanced Interconnect): Có dây không cân bằng thì cũng sẽ có dây tín hiệu cân bằng. Loại dây này thì thông dụng hơn, vì nó mang lại hiệu quả âm thanh tương đối tốt hơn so với dây tín hiệu không cân bằng. Dây tín hiệu cân bằng sử dụng chủ yếu cho các loại thiết bị có đầu vào và đầu ra cân bằng, và đầu cắm thường là đầu cắm loại Canon (hay gọi là XLR).
- Dây tín hiệu số (Digital Interconnect): là một dây tín hiệu đơn truyền tín hiệu digital, thông thường từ CD transport hoặc các nguồn digital khác tới bộ xử lý digital. Dây digital có loại làm bằng kim loại (coaxial) và loại làm bằng plastic hoặc thủy tinh hữu cơ (optical).
Dây loa (Speaker Cable)
Cũng có nhiệm vụ truyền tín hiệu, nhưng các loại dây loa sẽ chỉ sử dụng để truyền các tín hiệu âm thanh nhận được từ ampli đến loa, để phát ra âm thanh tới tai người nghe. Và cũng chính vì đặc điểm này mà tín hiệu do dây loa truyền ở mức khá cao, vài đến vài trăm volt. Dây loa cũng được chia thành nhiều loại.
- Dây loa đơn (single-end): mỗi đầu chỉ gồm 2 cọc đấu, cũng là kiểu dây loa phổ biến nhất hiện nay, được nhiều người sử dụng.
- Dây loa bi-wire, tri-wire: mỗi đầu có 2 hoặc 3 cọc đấu, sử dụng riêng cho các loại loa có thể đấu 2 hoặc 3 đường tiếng độc lập với nhau.
- Dây loa có nhiều kiểu đầu cắm như: đầu kim thẳng, đầu kim cong, bắp chuối, càng cua... trong đó đầu bắp chuối và càng cua là phổ biến nhất trong các dây loa cao cấp. Nếu không có yêu cầu tháo ra tháo vào nhiều, bạn có thể dùng dây loa trần để trực tiếp vào cọc ampli và cọc loa cũng rất tốt.
Cấu tạo của dây tín hiệu và dây loa
Bề ngoài của các loại dây dẫn này tuy khá đơn giản, chỉ gồm một vỏ bọc, thường sử dụng chất liệu nhựa. Nhưng khi tìm hiểu kỹ sẽ thấy bên trong không hề "nhẹ nhàng" như những gì chúng ta thấy. Một loại dây dẫn (dây tín hiệu và dây loa) thông thường sẽ bao gồm 3 thành phần chính: Sợi dẫn , điện môi và đầu cắm. Sợi dẫn sẽ đảm nhận nhiệm vụ truyền tín hiệu (là lõi đồng bên trong sợi dây), điện môi là lớp cách điện bao quanh sợi dẫn và vỏ ngoài, còn đầu cắm sẽ là đầu kết nối giữa dây dẫn và các thiết bị âm thanh. Các thành phần này hợp lại sẽ tạo nên cấu trúc vật lí của dây dẫn. Mỗi thành phần trong cấu trúc vật lý đều ảnh hưởng tới đặc tính âm thanh của dây dẫn.
Để đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình truyền tín hiệu, sợi dẫn thường làm từ đồng hoặc bạc. Độ tinh khiết của đồng là yếu tố quan trọng để đánh giá các loại dây dẫn cao cấp. Hợp kim đồng thường sẽ bao gồm đồng nguyên chất có lẫn một lượng nhỏ tạp chất. Ví dụ như một số loại dây dẫn có bản thông số kỹ thuật là 99.97% đồng nguyên chất, có nghĩa là trong đó có lẫn 0.03% hợp chất khác (đa phần sẽ là sắt, nhôm...). Người ta thường có quan niệm rằng lượng đồng trong dây dẫn càng nguyên chất thì âm thanh sẽ càng hay, chất lượng. Một loại hợp kim đồng thông dụng cũng hay được dùng trong chế tạo dây dẫn đó là hợp kim đồng OFC (đồng không ngâm Oxy). Tuy được lí giải là "không ngâm Oxy" nhưng không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn oxy trong hợp kim đồng này, nhưng khi chế tạo dây đồng OFC thì nhà sản xuất sẽ rút bớt Oxy ra khỏi đồng, như vậy sẽ góp phần giảm đi nguy cơ bị Oxy hóa, đảm bảo cho lõi dây giữ được khả năng truyền tín hiệu ổn định, độ bền cao hơn.
Đồng là vật liệu phổ biến sử dụng làm sợi dẫn trong các loại dây, tuy nhiên thì cũng có những loại sẽ sử dụng bạc thay cho đồng, nhưng trường hợp này tương đối ít. Các loại dây sử dụng sợi dẫn làm bằng bạc sẽ có giá thành đắt hơn so với sợi dẫn làm bằng đồng. Bởi vì bạc có khả năng dẫn điện tốt hơn đồng, và khi sử dụng bạc thì sợi dẫn cũng sẽ ít bị oxy hóa hơn so với đồng, mang lại hiệu quả sử dụng lâu bền hơn. Còn điện môi một lớp chất cách điện được nhà sản xuất bọc bao quanh sợi dẫn. Chất điện môi có hấp thụ năng lượng, người ta gọi dây dẫn là hiện tượng hấp thụ năng lượng của điện môi.
Trong dây dẫn, hiện tượng hấp thụ năng lượng của chất điện môi có thể làm ảnh hưởng đến tín hiệu. Vì thế, chất điện môi có tác động lớn đến âm thanh của dân dẫn và mỗi chất điện môi lại có ảnh hưởng khác nhau. Dây dẫn bình dân thường dùng loại nhựa rẻ tiền làm chất điện môi. Còn dây tốt hơn thì thường dùng polyethylen. Tốt nhất là dây dùng polypropylene hoặc thậm chí là teflon. Vài công ty đã chế tạo ra một chất liệu gần như không khí để làm chất cách điện (tất nhiên chất cách điện tốt nhất là chân không). Có những hãng khác thì bơm không khí vào chất điện môi để tạo ra một hợp chất chứa nhiều không khí.
Thành phần còn lại và cũng là không thể thiếu của dây dẫn đó là đầu cắm. Tùy vào sự tương thích của từng loại thiết bị âm thanh mà người ta sẽ sử dụng những loại đầu cắm khác nhau. Các loại đầu cắm chất lượng cao cũng sẽ mang lại hiệu quả âm thanh tốt hơn so với các loại đầu cắm rẻ tiền. Thông thường người ta ưa dùng các loại đầu cắm Canon cho dàn âm thanh chuyên nghiệp, và các loại đầu cắm 6 ly cho các nhu cầu thấp hơn. Dù sử dụng bất cứ loại đầu cắm nào đi chăng nữa thì mục đích cũng sẽ là làm sao cho đầu cắm tiếp xúc tốt nhất với thiết bị của bạn. Chính vì thế mà đôi khi người ta thường thêm một số chân cắm trong các loại đầu RCA để tăng khả năng tiếp xúc của đầu cắm với ổ cắm. Phần lớn các đầu cắm RCA cao cấp thường làm bằng đồng thông thường có pha một chút đồng thau để tăng độ cứng cho chất liệu. Hợp kim này thường được mạ bằng ni-ken, sau đó mạ vàng để tránh ôxy hóa. Ở một số đầu cắm khác, vàng được mạ trực tiếp lên đồng thau. Các chất liệu để làm đầu cắm còn có vàng và rô-đi.
Kinh nghiệm chọn mua dây tín hiệu, dây loa
Ai cũng muốn dàn âm thanh của mình sử dụng phải hay nhất, đạt hiệu quả âm thanh tối đa, nhưng lại không nhiều người trong số này có kinh nghiệm trong việc chọn mua các loại dây tín hiệu, dây loa này. Đặc biệt tại thị trường Việt Nam ngày càng có nhiều nhà sản xuất, cung cấp các sản phẩm này làm cho người dùng thực sự băn khoăn khi chọn mua. Vì vậy nên tham khảo qua để có kinh nghiệm chọn mua loại dây dẫn phù hợp với khả năng và đạt hiệu quả cao nhất với dàn âm thanh của mình.
Trước tiên thì hãy xác định xem bạn cần dây dẫn vào nhu cầu gì, sử dụng cho việc nào, từ đó sẽ chọn loại có kết cấu kỹ thuật phù hợp. Nếu là dây tín hiệu thì cần xác định xem khoảng cách giữa các thiết bị cần sử dụng dây như đầu CD, preampli, ampli... là bao nhiêu để chọn mua thích hợp, tránh trường hợp mua quá dài hoặc quá ngắn sẽ lãng phí hoặc không sử dụng được.
Dây cáp loa Soundking GB104
Dây tín hiệu cho đường digital (từ CD transport xuống DAC) là một loại dây đặc biệt được chế tạo riêng, nên chọn mua đúng loại đó thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Nếu hệ thống của bạn có đầu ra/đầu vào balance, nhưng bạn sắp xếp thiết bị gần nhau thì có thể dùng dây dẫn đồng hoặc bạc. Đây là một nhận xét cơ bản là đúng, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phù hợp, bạn cần thử nghiệm trước khi quyết định mua.Các loại dây tín hiệu và dây loa khác nhau sẽ có một "chất âm" riêng, chính vì thế nếu có điều kiện bạn hãy thử sử dụng phối hợp nhiều loại dây dẫn khác nhau cho một bộ dàn để kiểm tra chất lượng của từng loại cũng như thu được hiệu quả âm thanh cao nhất. Chắc chắn việc này sẽ mang đến những trải nghiệm tốt để bạn có thêm kinh nghiệm phục vụ cho công việc làm âm thanh sau này của mình.
Chúc các bạn có được những kiến thức mới khi đọc bài viết Dây tín hiệu, dây loa và kinh nghiệm chọn mua này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét