Để tiếp tục cho bài viết trước, bài viết sự quan trọng của dây dẫn trong một hệ thống âm thanh - P.2 sẽ tiếp tục đề cập đến các bạn các yếu tố còn lại, gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tín hiệu của dây dẫn. Rất có thể sau bài viết này, các bạn sẽ có thêm những kiến thức mới để nâng cấp tốt hơn cho dây dẫn trong dàn âm thanh của mình.
Ở bài viết trước mình đã đề cập với các bạn về các yếu tố điện học gây ảnh hưởng đến dây dẫn, thì bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem các yếu tố về mặt cơ học ảnh hưởng như thế nào đến dây dẫn. Ngoài ra thì các chất truyền dẫn đặc biệt, chất liệu để tạo nên lõi dây dẫn, cũng sẽ được đề cập chi tiết trong bài viết này.1. Các chất truyền dẫn đặc biệt
Phần lớn chúng ta đều quen thuộc với chất liệu chế tạo chính của dây dẫn đó là đồng, các đặc tính truyền dẫn điện của đồng đã được khai thác từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với các phương thức khác nhau trong việc chế tạo dây đồng ảnh hưởng như thế nào đến tín hiệu âm thanh thì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Bill Low, người sáng lập ra AudioQuest đã giải thích các cấp độ khác nhau của đồng: “Đồng thông thường, được chế tạo với độ nguyên chất cao vẫn được dùng để làm dây dẫn, loại đồng này được chế tạo bằng phương pháp điện phân, và là đồng ở cấp độ thông thường. Đồng không oxy, còn gọi là đồng OFC có chất lượng cao hơn và cũng ít ảnh hưởng đến tín hiệu âm thanh hơn.Chúng tôi còn phát hiện được các yếu tố khác đóng vai trò còn quan trọng hơn độ tinh khiết của đồng. Tất nhiên, không phải vì vậy mà độ tinh sạch không tạo nên ảnh hưởng nào. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải bỏ ra một số tiền lớn để mua các loại dây dẫn đặc biệt trong khi bạn không nhận thấy những khác biệt gì về âm thanh”. Thế nhưng những người khác lại cho rằng, đồng OFC không tốt hơn đồng thông thường. Theo Kip Coateds, chuyên gia tiếp thị cấp cao về dây dẫn tại công ty Belden: “Không dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa dây cáp đồng thường và OFC bằng việc kiểm tra trong phòng thí nghiệm hay bằng tai. Các cáp đồng OFC vẫn có một vài ưu điểm nhưng không còn được đánh giá cao như vài năm trước kia”.
Một số yếu tố về mặt điện học gây tranh cãi nữa là hiệu ứng mặt ngoài. Chúng ta đều biết, dòng điện xoay chiều tần số cao có xu hướng chạy trên bề mặt bên ngoài của bất cứ loại dây tín hiệu nào, dù cứng hay mềm. Có một câu hỏi đặt ra là liệu yếu tố này có ảnh hưởng đến tín hiệu âm thanh trong dây cáp hay không? Theo Dimmit, yếu tố này không quan trọng trong dải tần số âm trầm. Xét về mặt âm thanh, các chứng cứ về ảnh hưởng của “hiệu ứng mặt ngoài” này đều mang tính chủ quan. Cho dù có ảnh hưởng đi nữa bạn cũng không nhất thiết phải dùng các loại cáp đặc biệt. Ngược lại với ý kiến trên, Bill Low tỏ ý không đồng tình. Theo ông, các hiệu ứng trong lõi dây là rất lớn, dây dẫn mà quá nhỏ khiến dải tiếng treble yếu, theo đó hiệu ứng về âm hình và không gian sẽ bị mất. Rất may là hiệu ứng mặt ngoài có thể khắc phục được bằng cách sử dụng phối hợp các lõi đơn có kích thước nhỏ.
2. Các yếu tố cơ học
Hầu hết các lõi cáp đều bao gồm các sợi đồng xoắn chặt vào nhau. Các dây dẫn lõi này được cách điện rồi bện vào nhau và bọc bởi một lớp cách điên khá, cuối cùng là một lớp vỏ ngoài để tạo nên một dây cáp hoàn chỉnh. Loại cáp đơn giản nhất phải kể đến dây tín hiệu không cân bằng (RCA interconnect). Phần lớn các dây tín hiệu cân bằng (balance) bao gồm hai dây lõi xoắn vào nhau, bọc bởi một lớp bảo vệ. Như vậy sẽ giúp loại bỏ các tín hiệu RFI (tín hiệu giao thoa tần số vô tuyến) bên ngoài và tín hiệu EMI (tín hiệu giao thoa điện từ) từ các dây dẫn, biến áp và các nguồn điện từ lân cận.Một vài công ty dùng hình thức chập bốn dây lõi bên trong các dây balance thay vì hai lõi xoắn. Bốn lõi này xoắn quanh nhau, khác với những lõi chỉ nối với nhau ở một đầu. Theo Barry Brener, dây 4 lõi có khả năng loại trừ âm nhiễu tốt hơn so với dây 2 lõi thông thường tới 2dB. Bạn sẽ không phải lo lắng khi sử dụng dây ở gần đường dây tín hiệu cao. Kết cấu 4 lõi cũng tiện cho việc loại trừ RFI và EMI nhưng lại có điên dung tạp tán cao hơn một chút nên đáp ứng tần số cao có lẽ không tốt như dây hai lõi. Một số hãng khác lại có kiểu tết dây như tết tóc đuôi sam, điển hình là Kimber Kable, lại có nhiều loại dây loa bao gồm hai dây dẫn bẹt đi cạnh nhau mà không có lớp bảo vệ cho từng dây như dây của Nordost. Hãng Monster Cable lại ứng dụng lõi dây với các kích cỡ khác nhau cùng các hình thức cuộn và kết cấu dây dẫn khác nhau cho các dải tần số khác nhau, nhất là với các dây cáp loa. Theo Lee, một lõi dây dày có khả năng truyền tần số thấp dễ hơn, còn các lõi mỏng lại truyền tần số cao. Một số loại khác, thường là của các nhà sản xuất dây đặc biệt, sử dụng nhiều kiểu cuộn và xoắn khác nhau. Nói tóm lại vô cùng phong phú trong kết cấu.
3. Chất lượng đấu dây
Các jack nối cũng có tầm quan trọng không kém dây dẫn trong việc duy trì chất lượng âm thanh. Việc đấu cáp với các đầu nối là việc quan tâm hang đầu. Theo Dimmit, cho dù bạn đầu tư bao nhiêu tiền vào dây dẫn thì bạn vẫn có thể phải nghe những âm thanh không hay nếu bạn không biết cách đấu dây. Nhiều người vẫn thường đổ lỗi cho cáp nhưng thực chất vấn đề lại thuộc về chất lượng đấu dây.
Các dây loa thường không cần hợp kim hàn (thiếc) ở đầu nối. Một mối nối lí tưởng thường là mối nối hàn nguội hoặc mối nối kiểu cơ khí. Giữa đầu nối và hốc cắm sẽ tạo ra các tiếp điểm, các đầu nối rẻ tiền thường được mạ rất kém. Chất liệu vàng tạo tiếp xúc tốt, nhưng nếu thiết bị của bạn chỉ có điểm tiếp xúc bằng bạc hay thiếc thì việc dung các bộ nối mạ vàng chỉ làm tốn tiền và gây rắc rối cho bạn. Khi dòng điện chạy qua chỗ nối của các kim loại khác nhau sẽ tạo nên các di chuyển điện hóa, mà nếu về lâu dài sẽ nảy sinh các vấn đề. Hiện tượng này không hoàn toàn xảy ra với các thiết bị, bạn có thể cắm và rứt ra thường xuyên.
Theo Lee, tốt hơn hết là bạn nên tránh các bộ nối. Nếu có thể, bạn hãy hàn trực tiếp vào bảng mạch của amply. Trong một số phòng thu, các bộ nối không được sử dụng vì chúng làm cho chất lượng âm thanh kém đi. Tất nhiên, việc từ bỏ các bộ nối không phải lúc nào cũng phù hợp, nên bộ nối của nhiều hãng đã được hàn hợp kim, hàn nguội hoặc uốn để có thể sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau.
Dường như các ý kiến tranh luận xoay quanh hiệu ứng, ảnh hưởng của dây dẫn đến tín hiệu âm thanh sẽ không có hồi kết. Những người có “đôi tai vàng” sẽ còn khẳng định rằng các hiệu ứng tinh vi là có thực và có ảnh hưởng mạnh mẽ, trong khi những người khác lại cho rằng đó chỉ là sự thổi phồng quá mức. Cách duy nhất để có được âm thanh hay là bạn làm giảm nhiễu từ chính các thiết bị nghe của bạn. Thiết bị nào cũng cho tín hiệu đầu ra nhiễu hơn so với tín hiệu đầu vào và thiết bị tốt là thiết bị cho tín hiệu ít bị nhiễu nhất. Quá trình này giống như một cầu thang đi xuống, trong đó mỗi thiết bị (bao gồm cả dây cáp) là một bậc thang có ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Nếu bạn thay thế một bậc cho bớt dốc, cả cầu thang cũng sẽ bớt dốc theo và nhờ thế âm thanh sẽ hay hơn.
Thực ra nói về thiết bị âm thanh thì có rất nhiều kiến thức khác nhau, mỗi người một quan điểm. Nhưng vấn đề quan trọng nhất của bạn là chọn được sản phẩm mà bạn cảm thấy là hợp lý nhất với nhu cầu của mình. Chúc các bạn thành công trong lĩnh vực âm thanh này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét