Khi muốn làm việc hay tiếp xúc với một lĩnh vực mới nào đó, bạn cần có những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực đó, để tránh những sai sót trong quá trình làm việc hay trao đổi với những người trong nghề. Lĩnh vực âm thanh cũng không phải là ngoại lệ. Bạn sẽ không thể trò chuyện hoặc hiểu rõ ý muốn nói của người đối diện nếu không nắm rõ các thuật ngữ thường được sử dụng trong lĩnh vực này. Bài viết này mình sẽ chia sẻ về những thuật ngữ miêu tả âm thanh cơ bản cho những ai đang muốn tìm hiểu hoặc bắt đầu làm việc về lĩnh vực âm thanh.
Dù cho là trong những dàn âm thanh cỡ nhỏ cho gia đình hoặc những hội trường, quán cafe kinh doanh cho đến những dàn âm thanh chuyên nghiệp như sân khấu biểu diễn... thì người làm âm thanh cũng cần phải có một khả năng "cảm âm" cực tốt, để đảm bảo có thể điều chỉnh chính xác âm thanh, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người nghe.
Để miêu tả về âm thanh, người dùng sẻ sử dụng các thuật ngữ như: âm sắc, độ sáng, độ trong...và người làm âm thanh nhất định phải hiểu thật chắc về các thuật ngữ này.
1. Âm sắc
Âm sắc còn được hiểu là màu sắc của âm thanh
Người ta định nghĩa âm sắc là "chất" hay "màu sắc" của âm thanh. Đây cũng là căn cứ để người ta phân biệt giữa các loại nhạc cụ với nhau. Cùng một nốt nhạc, âm sắc nó phát ra sẽ giúp bạn phân biệt được đâu là nốt do cây đàn guitar đánh, đâu là nốt nhạc đó do kèn saxsophone phát ra. Hoặc cách nhận biết âm sắc dễ nhất đó là qua giọng nói khác nhau của mỗi người.
Còn đối với việc gọi âm sắc là "màu sắc" của âm thanh thì hãy thử tưởng tượng bạn đang xem một bức ảnh. Có những màu sắc sẽ tạo nên sự ấm áp, còn có những màu sắc sẽ gây sự lạnh lùng, khô khốc. Các thiết bị âm thanh cũng sẽ tạo nên những âm sắc riêng biệt của nó trong quá trình vận hành.
2. Sự chặt chẽ của âm thanh
Sự chặt chẽ của âm thanh được thể hiện qua việc phối hợp, gắn kết giữa các thành phần tạo nên bản nhạc ấy. Những tiếng đàn guitar, tiếng trống cũng như tiếng hát của người ca sĩ có hòa được vào với nhau để tạo nên một bản nhạc hay, sống động hay không. Đó là sự chặt chẽ của âm thanh. Và khi các sự kết hợp này hoàn hảo rồi thì âm thanh phát ra loa hoặc headphone đến tai người nghe mới có thể đạt chất lượng cao được.
3. Âm trường và âm tầng
Âm trường (sound field) và âm tầng (sound stage) là 2 khái niệm khá trừu tượng của lĩnh vực âm thanh. Âm trường thể hiện độ rộng hay hẹp của âm thanh, nó sẽ làm người nghe cảm thấy không gian nge nhạc của mình hẹp, âm thanh nghe khó chịu hay là một không gian rộng với những âm thanh bay bổng, mênh mông. Các sân khấu biểu diễn không gian rộng sẽ giúp người nghe cảm nhận rõ rệt nhất về âm trường.
Cách bố trí nhạc cũng cũng ảnh hưởng đến âm thanh
Còn với âm tầng, các bạn sẽ cảm nhận được điều này thông qua cách bố trí các loại nhạc cụ trong một sân khấu. Với khoảng cách từ nhạc cụ đến tai người nghe khác nhau, được bố trí theo từng tầng một, như guitar, piano, organ ở phía trước và đằng sau là trống và các bộ gõ, thì âm thanh sẽ truyền đến tai người nghe theo 2 tầng, với khoảng cách thứ tự xa gần khác nhau theo cách sắp xếp các loại nhạc cụ.
4. Độ "sáng" của âm thanh
Đây là thuật ngữ mà người ta thường rất hay dùng để miêu tả về chất âm của loa hoặc một loại nhạc cụ nào đó, như khen: "loa này tiếng sáng nhỉ". Nhiều người sẽ không hiểu "sáng" ở đây muốn nói là gì? Đó chính là âm thanh của thiết bị/nhạc cụ đó có các dải tần rõ ràng, với âm thanh có độ cao tương đối ổn. Nhưng nếu tiếng quá sáng sẽ làm cho âm thanh có phần chát, chói tai.
5. Mật độ âm thanh
Mật độ âm thanh tốt sẽ mang lại cảm xúc cho người nghe
Khi nghe đến mật độ, chúng ta dễ dàng hình dung nó đang đề cập đến số lượng của một thứ gì đó trên một đơn vị không gian, diện tích. Ví dụ như mật độ dân số. Và mật độ âm thanh cũng thế, đó là cách miêu tả âm thanh có một vẻ đầy đặn, mang lại cảm giác rất phong phú cho người nghe.
6. Độ trong của âm thanh
Độ trong ở đây muốn nói đến chất tinh khiết, không lẫn tạp âm của âm thanh. Vì đối với những loại loa thùng rẻ tiền, đôi lúc nó sẽ mang đến cảm giác rè, hoặc những âm thanh quá cao tiếng sẽ bị vỡ, lẫn nhiều tạp âm.
Tuy nhiên thì tùy vào trường hợp cụ thể mới có thể đánh giá về độ trong của âm thanh. Vì đối với một số loại nhạc cụ, như đàn guitar, thì khi đánh người ta sẽ tác động lên cần đàn mà mang lại những tiếng kéo dây rất đặc trưng, không có nó thì không thể nào làm nên âm thanh của đàn guitar, chính vì thế mà đây sẽ không được tính là tạp âm và đánh giá độ trong của âm thanh được.
7. Độ chi tiết trong âm thanh
Độ chi tiết phản ánh âm thanh mà bộ dàn trình diễn truyền đến tai người nghe có phản ánh chân thực nhất hay không. Ở một số bộ dàn, bạn sẽ dễ dàng nghe được hơi thở dù rất nhỏ của ca sĩ, cũng như những âm thanh phát ra trong quá trình chơi nhạc cụ. Đó là độ chi tiết của âm thanh.
8. Tốc độ đáp ứng của âm thanh
Dàn âm thanh cần thể hiện chi tiết các loại nhạc cụ riêng biệt
Yếu tố này sẽ được thể hiện bởi âm thanh phát ra từ những dàn nhạc, với nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Vì có những đoạn sẽ gồm rất nhiều loại nhạc cụ cùng hòa tấu cũng như có tốc độ khá cao. Một dàn âm thanh chất lượng sẽ phải đảm bảo sao cho vừa thể hiện rõ ràng từng âm sắc của mỗi loại nhạc cụ, vừa đáp ứng được tốc độ đó.
9. Dải động của âm thanh
Nếu các bạn chú ý kĩ thì đây chính là tần số đáp ứng mà các loại loa hay tai nghe thường ghi chú trong phần thông số kỹ thuật. Người dùng thường khá quan tâm vào yếu tố này. Tuy nhiên tai người chỉ có thể nghe được dải tần từ 20Hz-20KHz, chính vì thế mà chúng ta chỉ nên quan tâm đến tần số âm thanh ở trong khoảng này. Và thực tế thì rất ít loại loa có thể đáp ứng được khoảng tần số này một cách hoàn hảo.
Đó là tất cả những thuật ngữ cơ bản, cần phải biết đối với một người làm âm thanh hoặc một người chơi audio. Hy vọng bài viết sẽ mang đến thêm nhiều kiến thức.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm kiến thức cơ bản về các thiết bị âm thanh ở bài viết: Dây loa và những thành phần cấu tạo mới cho các bạn trong quá trình làm việc với các thiết bị âm thanh của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét