10 nguyên nhân có thể gây cháy loa

Loa là thiết bị quan trọng bậc nhất của một hệ thống âm thanh. Với về ngoài chắc chắn, kiên cố, nó khiến người dùng lầm tưởng rằng có lẽ sẽ rất lâu mới hư hỏng và phải thay thế bằng một sản phẩm khác. Nếu sử dụng và bảo quản kĩ lưỡng, tuổi thọ của loa có thể kéo dài hàng chục năm. Tuy nhiên nếu không chú ý và sử dụng không đúng cách thì đôi lúc chỉ sau vài ngày sử dụng loa của bạn đã hư. 10 nguyên nhân có thể gây cháy loa sẽ là bài viết giúp bạn sử dụng đúng cách, nhằm tăng tuổi thọ của loa.

Mỗi thiết bị trong hệ thống âm thanh đều có những thông số kỹ thuật riêng biệt, giúp người sử dụng có thể phối ghép các thiết bị này phù hợp, đúng cách. Tuy nhiên không phải ai cũng chú ý đến điều này, dẫn đến đôi lúc phối ghép các thiết bị âm thanh không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến từng thiết bị. Hoặc trong khi vận hành, sử dụng hệ thống âm thanh mà có những "âm thanh lạ" vang lên như những tiếng hú, "bụp bụp" phát ra bởi loa mà chúng ta không chú ý. Những âm thanh này chính là những lời "kêu cứu" mà loa phát ra báo hiệu cho chủ sở hữu của nó biết. Đây là lúc bạn cần can thiệp kịp thời để tránh xảy ra những hậu quả không đáng có, thậm chí là hư cả dàn âm thanh. Sau đây là 10 nguyên nhân có thể gây cháy loa thường gặp nhất:
1. Micro hay bị hú khi sử dụng: đây là trường hợp thường gặp nhất đối với những hệ thống âm thanh mà người chỉnh không thực sự "chuyên nghiệp". Khi những tiếng hú xảy ra cũng là lúc loa của bạn đang bị "tổn thương", tiếng hú này càng nhiều thì loa của bạn càng dễ hư, cháy.
2. Cách chia Crossover không hợp lý: Bạn sử dụng crossover để có thể kiểm soát âm thanh của bộ dàn tốt hơn, nhưng lại không biết cách canh chỉnh hợp lý cũng là nguyên nhân gây hại cho loa. Tần số treble, mid quá thấp hoặc ampli phải tải loa treble quá lớn sẽ ảnh hưởng đến loa, lâu dài sẽ gây hư hỏng, cháy loa. Phải chú ý kiểm tra thông số kỹ thuật của loa trước khi bạn muốn chia crossover.
10 nguyen nhan co the gay chay loa
Sử dụng không đúng cách sẽ làm hỏng cả dàn âm thanh

3. Nhu cầu sử dụng vượt quá sự đáp ứng của hệ thống loa: Mỗi mức công suất khác nhau của loa chỉ cho phép chúng phục vụ những nhu cầu nhất định. Bạn không thể ép hoặc cố gắng vượt quá sự cho phép đó. Một cặp loa khoảng 100W cho những nhu cầu gia đình nhưng lại sử dụng ở ngoài trời phục vụ cho hàng trăm người là điều không thể. Sử dụng nó ở công suất cực đại và liên tục chắc chắn không phải là ý kiến hay. Hoặc bạn cố gắng sử dụng duy nhất 1 amply để "kéo" nhiều loa của mình thì không chỉ amply hỏng mà loa cũng có nguy cơ cháy.
4. Không phân biệt giữa loa trong nhà và loa ngoài trời: Bạn có 1 cặp loa bookself (loa dạng nhỏ, đặt trên giá cho các dàn âm thanh gia đình) nhưng bạn lại muốn sử dụng nó cho một buổi tiệc ngoài trời với bạn bè thì chắc chắn loa sẽ không thể đáp ứng được, và đây cũng sẽ là nguyên nhân cháy loa nếu bạn vẫn cố sử dụng.
5. Equalizer bị lạm dụng quá mức: Equalizer được sử dụng để tăng hiệu quả âm thanh cho dàn nhạc của bạn. Tuy nhiên đó là với những người thực sự hiểu và biết sử dụng. Nhiều người không biết thường chỉnh sao cho giống số đông, cho tất cả các cần gạt thành hình chữ V, vừa đẹp vừa dễ. Nhưng đó không phải là một điều tốt cho loa. Equalizer có chức năng cắt những gì dư, chứ không phải để tăng những gì thiếu như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ví dụ nếu bạn muốn nghe tiếng treble nhiều hơn thì hãy giảm bass đi và ngược lại. Như vậy thì mới có thể tăng "tuổi thọ" cho loa được.
6. Sử dụng Compressor/Limiter không chính xác: Compressor và Limiter là những thiết bị được sản xuất với chức năng bảo vệ loa trong dàn âm thanh của bạn. Tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý, đúng cách thì cũng sẽ gây những tổn hại nhất định đến loa của các bạn.
nguyen nhan gay chay loa
Chú ý đến những "âm thanh lạ" khi dàn âm thanh hoạt động

7. Vô ý gây ra những tiếng nổ lớn: Đây là trường hợp gặp thường xuyên ở các hệ thống âm thanh nhà thờ. Không có người quản lý và tùy chỉnh hệ thống âm thanh duy nhất, mà đến lượt nhóm nào sử dụng sẽ tự chỉnh riêng cho mình. Chính vì thế mà những hành động tắt/mở dàn âm thanh sẽ không nhất quán. Nguyên tắc là khi mở thì mở từ trên xuống dưới, còn khi tắt thì tắt từ dưới lên trên. Nghĩa là khi mở, ampli sẽ là thiết bị cuối cùng, còn khi tắt, sẽ tắt ampli đầu tiên. Nếu không sẽ gây ảnh hưởng, giảm tuổi thọ của loa và các thiết bị trong hệ thống. Ngoài ra còn một yếu tố nữa đó là người dùng không biết thường sẽ rút jack kết nối nhạc cụ, micro khi chưa tắt loa, âm thanh... gây ra tiếng nổ "bụp bụp" như chúng ta thường nghe. Đây là tác nhân gây hại nhiều nhất cho loa, rất dễ dẫn đến hư, cháy loa.
8. Thiếu Headroom: Đây là hiện tượng không đủ khoảng dự trữ âm thanh cần thiết. Nếu để ý kỹ thì những người bán âm thanh kinh nghiệm thường sẽ tư vấn cho bạn ampli có công suất sao cho đủ cho loa và vẫn dư ra một lượng, khoảng 20%. Lí do là để dự trữ khi bạn sử dụng thêm các loại nhạc cụ, thiết bị thêm vào hệ thống mà vẫn có thể đảm bảo hoạt động tốt nhất. Nhưng người dùng thì không phải ai cũng biết điều này, mà thường phối ghép vừa đủ hoặc thiếu 1 chút cho tiết kiệm. Chính vì thế ampli lẫn loa của bạn luôn quá tải khi sử dụng.
9. Tín hiệu từ Mixer, Effec, Equalizer.. quá tải trước khi xuống ampli: Cần chú ý đến Gain của các nguồn phát sao cho tín hiệu âm thanh truyền xuống ampli phù hợp.
10. Tiếp tục sử dụng loa khi loa đang gặp tổn thương: Đó là những trường hợp mình đã đề cập sơ qua ở trên. Dàn âm thanh phát ra những tiếng động lạ, rè hoặc những tiếng nổ nhưng lại bỏ qua, cứ tiếp tục sử dụng. Lúc này thì nên ngừng lại và kiểm tra xem nguyên nhân là gì, khắc phục rồi hãy tiếp tục để đảm bảo tuổi thọ của loa.
Đó chính là 10 nguyên nhân có thể gây cháy loa mà bạn thường gặp nhất khi sử dụng hệ thống âm thanh. Đọc và rút ra những kinh nghiệm cho mình sẽ là cách giúp bạn bảo quản, tăng tuổi thọ cho loa đồng thời có thể tùy chỉnh các thiết bị âm thanh một cách tuyệt vời hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét