Những đặc điểm, thông số kĩ thuật luôn là yếu tố tiên quyết để chúng ta căn cứ vào đó để chọn sản phẩm muốn mua. Loa cũng có những thông số kĩ thuật riêng của nó. Tuy nhiên thì đây không phải là thiết bị phổ biến như điện thoại, máy ảnh... nên rất ít người dùng biết căn bản về các thông số này. Bài viết này mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu căn bản về thông số kĩ thuật của loa.
Với sự phức tạp về bản chất vật lý, các thông số này thường gây khó khăn cho người dùng phổ thông khi mua sắm hoặc đánh giá loa. 5 yếu tố sau đây sẽ giúp các bạn hiểu cơ bản về những thông số kỹ thuật của loa.1. Kích thước của loa
Đây là yếu tố dễ nhận biết nhất của loa vì đây là yếu tố bên ngoài, người dùng sẽ dễ dàng nhận biết khi tiếp xúc với loa. Các loại loa to và nặng thường sẽ mang lại cho bạn âm thanh tốt hơn những loại loa nhỏ, nhẹ, đặc biệt là những tiếng bass. Loa con càng lớn thì càng tạo được nhiều bass hơn nhưng độ lớn thùng loa và ma trận bên trong cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng/số lượng bass.
Các loại loa chất lượng cao có kích thước tương đối lớn
Một hệ thống bốn loa con 3 inch cùng đảm nhận dải âm trầm có thể cho vẻ ngoài ấn tượng, nhưng thường không cho âm trầm chắc, rộng, và chân thật như một loa con 6 inch trong một chiếc thùng loa lớn hơn. Xem như bỏ qua yếu tố lệch pha phổ biến giữa các loa con và thiết kế đối xứng của mỗi loa cụ thể.
2. Trở kháng của loa
Loa hay bất kì vật dẫn điện nào thì cũng đều mang theo điện trở, với loa thì thông số này được đặc trưng bởi trở kháng của loa. Trong các loại loa thông dụng hiện nay thì trở kháng phổ biến là 4 ohm và 8 ohm. Thông thường thì trong cách dàn âm thanh phối ghép nhiều thiết bị, người ta sẽ chuộng những loa 8 ohm hơn, vì trong cách ghép mạch song song của dàn âm thanh, các loa có trở kháng càng cao sẽ càng dễ điều khiển hơn các loại loa có trở kháng thấp, và cũng dễ dàng tương thích với ampli hơn, mang lại hiệu quả sử dụng cao.
Loa trở kháng cao dễ "điều khiển" hơn
Điều này có thể được minh chứng bằng thông số damping factor của ampli, chỉ số này càng cao thì âm bass cho ra loa càng chắc, khó vỡ, nhòe. Damping factor được tính bằng thương số giữa trở kháng loa và trở kháng đầu ra của ampli. Ví dụ, loa có trở kháng 8 ohm, ampli có trở kháng đầu ra 0.01 ohm, thì damping factor có giá trị 800. Với loa có trở kháng 4 ohm, chỉ số này chỉ là 400. Vì vậy, loa với trở kháng cao hoạt động dễ dàng hơn và dễ phối ghép hơn.
3. Dải tần đáp ứng
Thông thường những ai có kiến thức về thiết bị âm thanh sẽ rất quan tâm đến thông số này, vì Thông số này cho người sử dụng biết được khả năng tái tạo âm thanh của loa tại mỗi dải tần tương ứng. Ví dụ một loa với dải tần đáp ứng 30 Hz – 20 kHz có khả năng trình diễn âm bass xuống đến 30 Hz và âm cao lên đến ngưỡng nghe trung bình của con người, 20 kHz. Thông số này nếu đáp ứng được khoảng tần số âm thanh nghe được của tai người thì sẽ là tối ưu.
Biểu đồ tần số đáp ứng của loa
Tuy nhiên trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy, vì khi nhà sản xuất tiến hành đo dải tần đáp ứng của loa thì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, như khoảng cách giữa loa và thiết bị đo, độ lớn phòng, hướng đo, tính chất của âm đươc đo, âm lượng,… và mỗi nhà sản xuất thì có một cách đo khác nhau, không hề có một quy chuẩn chung nào cho phép đo này, vì vậy đây chỉ là thông số mang tính tham khảo tương đối chứ không hề chính xác tuyệt đối.
4. Độ nhạy của loa
Độ nhạy có đơn vị đo là dB/watt/m (với loa có trở kháng 8 ohm). Ví dụ, một loa có độ nhạy 90 dB, công suất đầu vào 1W, ở tại vị trí đo cách loa 1m, loa phát ra âm thanh có mức cường độ âm 90 dB.
Loa ampli Soundking có độ nhạy cao, 126 dB
Thông số này đặc biệt quan trọng khi phối ghép ampli với loa. Có một công thức dễ nhớ là công suất ampli gấp 10 lần, mức cường độ âm tăng 10 dB và âm thanh sẽ lớn gấp đôi. Ví dụ, loa độ nhạy 90 dB trên. Bộ loa này chỉ cần 1W để đạt mức cường độ âm 90 dB, cần 10W để đạt mức 100 dB (âm thanh lớn gấp đôi), 100W để đạt mức 110 dB (âm thanh lớn gấp bốn lần), và cần 1.000W để đạt mức 120 dB (âm thanh lớn gấp tám lần).
Độ nhạy phản ánh âm lượng có thể đạt được của loa với một công suất ampli cụ thể mà không ảnh hưởng lớn đến chất lượng âm thanh.
5. Công suất cực đại của loa
Đây là thông số nhà sản xuất buộc phải cung cấp cũng như người dùng cần phải biết đến nó, thông số này sẽ giúp người dùng biết giới hạn mà ampli có thể làm hỏng loa con của họ, chứ không phải là một lời gợi ý mua ampli phù hợp mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Ví dụ, một loa có công suất cực đại 200W không bắt buộc người dùng mua ampli có công suất 200W.
Ampli công suất lớn có lợi thế trên các loa
Các ampli nhỏ thường gặp vấn đề về nhiễu, biến dạng tín hiệu khi đạt mức công suất lớn, trong khi những ampli lớn vẫn hoạt động ổn định. Bởi vậy, ở ví dụ trên, một ampli lớn như Telos 5000 (công suất 5000W ở 2 ohm) vẫn sử dụng rất tốt. Dù vậy, chú ý khi sử dụng ampli công suất lớn là duy trì ở mức âm lượng không quá lớn, phù hợp với loa.
5 yếu tố trên đó là những điều Căn bản về thông số kĩ thuật của loa. Khi hiểu về nó thì chúng ta có thể hiểu hơn về sản phẩm loa mà chúng ta cần mua, cũng như giá trị mà nó sẽ mang lại cho chúng ta. Tuy nhiên thì không phải chỉ cần dựa trên những thông số này là sẽ mua được loa tốt, vì đôi lúc với nhiều nhà sản xuất không uy tín, thì nó chỉ mang tính tham khảo. Lời khuyên tốt nhất đó là chúng ta nên cảm nhận âm thanh của loa bằng chính đôi tai của mình, nghe rõ chất âm của từng loa trước khi mua, như vậy thì mới có thể chọn chính xác loa theo ý muốn cũng như giá trị bỏ ra được. Chúc các bạn có thêm nhiều kiến thức mới khi đọc bài viết này.
Minh Thanh Piano chuyên phân phối các thiết bị âm thanh Soundking: loa thùng sân khấu, loa hội trường, ampli, mixer.... Liên hệ hotline: 0949.076.789 để được tư vấn chi tiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét